TỘI NGHIỆP CUA ĐỒNG!


Hồi nhỏ, cứ mỗi độ bắt đầu mùa mưa, lũ con nít trong xóm ‘lác đác’ vài nóc nhà chúng tôi lại ơi ới gọi nhau để rủ tắm mưa và đi bắt cua đồng. Chu cha mèn đét ơi!Cơ man nào là cua: cua đồng đực với cặp càng to tướng đang thể hiện sự ‘oai phong’ trước các cô nàng cua cái. Chúng ‘nghênh ngang’ dạo chơi và đang tắm mình trong những cơn mưa đầu mùa mát rượi. Ô kìa!Chỗ này trước cửa hang là những trò ‘marketing’ của các chàng cua đực để đưa được nàng cua vào tham quan ‘lâu đài’ mà chàng ta đã bỏ ra biết bao công sức xây dựng nên. Đằng kia là, từng đôi từng đôi đang du ngoạn trong lễ hội ‘tình yêu’. Tội nghiệp nhất là các chị cua đang gần ngày ‘khai hoa nở nhụy’ cũng không thể cưỡng lại cái không khí tuyệt vời lúc giao mùa. Các chị cũng tham gia để rồi sau đó tạm lánh mặt một thời gian mà thực hiện thiên chức thiêng liêng: làm mẹ!. Lũ con nít chúng tôi đâu cần biết lũ cua đồng ngu si kia đang làm gì. Chúng tôi chỉ biết đây là cơ hội tuyệt vời để tụi tui xem đứa nào là ‘vô địch bắt cua’. Phần thưởng cho đứa ‘vô địch’ ư? Đơn giản là câu tung hô cửa miệng: “Vua cua”! Đó là một vinh dự à nha! Nói thật, không giống như các bạn cùng tuổi nhưng ở chốn thị thành được vui chơi: cầu trượt, tàu lượn…, ‘Bắt cua’ còn là 1 thú vui chơi của chúng tôi nữa! Điều đặc biệt là những món ăn được chế biến từ những con cua đồng mà chúng tôi bắt được. Nếu nói không ngoa, cua đồng cũng có thể được chế biến tới 7 món à nghen! Nhưng có lẽ hấp dẫn nhất là món cua đồng luộc chấm muối chanh và được ăn ngay sau khi tắm mưa thì không gì ngon bằng. Thật đó!
Rồi ngày kia thằng tôi từ giã cái xóm ‘lác đác’ vài nóc nhà để ra chợ học. Rồi tui cũng tốt nghiệp đại học. Và cũng như mọi người, tôi cố bám lại thành thị và bây giờ đố ai mà biết tôi là người trong những tác phẩm xuất sắc của nhà văn lão thành Sơn Nam bởi lí do thật đơn giản chân tay tui giờ đây đâu còn dấu vết của ‘phèn’ (có chăng là dấu vết của loại phấn ‘không ăn tay’ nào đó thôi), ‘mùi sình non’ đặc trưng của đồng ruộng cũng bị ‘đánh bật’ bởi ‘mùi hương quyến rũ’, ‘đầy nam tính’ đã và đang được quảng cáo nhiều tập trên tivi.
Nói vậy chứ thằng tui vẫn còn nhớ lắm những kỉ niệm tuổi thơ. Do đó, mùa hè rồi, thằng tui quyết định về thăm cái xóm ‘lác đác’ sau bao năm xa cách.

Thật đáng mừng làm sao! Cái xóm ấy đã có nhiều sự đổi thay đồng hành với sự phát triển thần kì của đất nước. Con đường dẫn vào xóm ‘lác đác’ đã được bê-tông hóa. Ánh đèn dầu năm xưa đã được thay bằng đèn điện (có điều là điện hơi bị chập chờn có lẽ là do rớt ‘pha’. Chuyện thường! Ở thành thị lâu lâu cũng bị hoài chứ gì!). Đang lâng lâng với những cảm xúc với những kỉ niệm của những ngày “tắm mưa”, tôi bỗng giật mình với tiếng kêu nghe rất ư là quen thuộc: “ “Thầy giáo lùn” hôm nay mới chịu “vinh qui bái tổ” à. Vào đây làm vài ly “rượu giải khát” cái đã. Lát nữa, tao sẽ làm hướng dẫn viên miễn phí cho mày!”. Tôi ngoảnh lại. Nhìn qua cổng rào phía trước có giàn thiên lý, tôi thấy 1 người đàn ông phốp pháp đang nở nụ cười thật tươi. Tôi nhìn kỹ: thằng Tý – bạn thuở nhỏ. “Chà! Thật may! Đã gặp “thổ địa” – tôi thầm nghĩ.
Sau khi đã lai rai được 2 xị rượu đế, tôi bắt đầu cảm thấy choáng – một cảm giác thường trực với một người có tửu lượng kém cõi như tôi. Theo Tý, hắn được cơ ngơi tương đối đồ sộ như ngày hôm nay là nhờ vào “quá trình đô thị hóa nông thôn” (quá trình này đâu chỉ diễn ra ở cái xóm “lác đác” vài nóc của chúng tôi mà là khắp nơi trên mảnh đất thân thương hình chữ S này). Hắn nói từ ngày tôi rời xóm để “chiếm lĩnh tri thức” nhằm xóa đói giảm nghèo cùng góp phần giảm “sự phân hóa giàu nghèo” giữa nông thôn và thành thị, ở xứ này, mọi người vẫn hàng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Nói chung là tạm ổn. “Nhưng rồi cuộc sống của tao và bà con ở đây là “vòng xoăn ốc khép kín hướng xuống” – hắn “triết lý” như thế trong lúc nói chuyện với tôi. “Giảm rồi không thu thuế nông nghiệp nhưng bù lại thì phân bón, thuốc trừ sâu tăng giá với “tốc độ phi mã”- hắn thốt lên bằng 1 giọng điệu gắt gỏng. Cũng như tôi, hắn quyết định rời quê để lên thành thị làm công nhân với hy vọng đổi đời (chỉ có thể là công nhân với “kiến thức” được trang bị là bằng “tiểu học xóa mù”). Thật tội nghiệp thay cho thằng bạn quá khố của tôi! Với đồng lương của một công nhân như hắn, những nhu cầu thiết yếu hàng ngày hắn còn phải chi một cách dè xẻn từng trăm một thì lấy gì mà đổi đời. Biểu tình! Hắn không tham gia vì một lẽ là dân quê như hắn thì chất phác và mộc mạc lắm! Họ là lãnh đạo – là những nhà hoạch định chính sách đại tài – không lẽ họ không thấy những người đang làm thuê cho họ đang túng quẫn. Không đủ ăn thì lấy gì mà “tái tạo sức lao động”!. Chờ! Chán nản! Tuyệt vọng! Hắn bỏ lại những mơ ước ở đô thị. Hắn tự nhủ: “Phải quay về và làm giàu trên mảnh đất của mình thôi!”. Thật không ngoa! Ông trời không bao giờ ngoảnh mặt với bất cứ ai – những người luôn biết cố gắng để vươn lên. Chỉ sau vài tháng “đi khum, cúi cổ”, hắn chớp ngay cơ hội – xóm “lác đác” vài nóc nhà được nhà nước qui hoạch thành 1 khu công nghiệp và khu dân cư hoành tráng. Với tiền đền bù cộng với 1 chút “kinh nghiệm” mà hắn học được từ người thành phố, hắn bắt tay vào việc kinh doanh bất động sản. Đó là lí do hắn có được cơ ngơi như ngày hôm nay! Hắn vênh váo: “Ê! Nói thật với mày nha! Tao bây giờ tính nhẩm hơn mày cái chắc (tính tiền đó mà)”. Hắn nói thêm: “Ở đây bây giờ ai cũng “phất” lên cả! Đổi đời mà! Như mày thấy đó toàn là nhà tường được sơn bằng Nippon – sơn đâu cũng đẹp. Nhưng tất cả họ không bằng tao vì họ còn “thô sơ” chứ không có được sự “tinh vi” như tao”. Hắn cười khoái chí sau câu nói đó. Tôi gượng gạo cười theo. Hắn cũng biết được thông tin đời tư của tôi sau bao năm “lưu lạc”. Giáo viên. Độc thân. Lương tạm ổn. Còn ở nhà thuê. Đang phấn đấu mua một căn hộ chung cư dành cho người có thu nhập thấp. Nghe tôi nói câu này, thằng Tý cười nức nẻ với cái miệng và ánh mắt vừa ngạc nhiên, vừa khinh miệt. “Thôi đi ông “tháo giày – thấy giào” ơi, mày chờ chừng nào tới Tết Công – gô, cần cổ mày dài hơn cái xe cẩu đằng kia còn chưa chắc có nữa là …” Nói đến đó, hắn buông lửng. “Sao! Về đây tính làm gì đây? Có kẹt vốn cho việc xây “tổ uyên ương” thì nói, tao cho mượn. Chổ bạn bè tao nói thẳng: có “lãi” nha nhưng mày đừng lo tao sẽ tính theo lãi suất ngân hàng. Chí cốt mà!” Chờ hắn tuôn dứt “lời vàng, ý ngọc”, tôi nói: “Lâu nay không về “nơi chôn rau, cắt rau muống” nên nhớ người, nhớ cảnh, thêm nữa là nay đã có 1 chút danh phận, tao mới quyết định “hồi hương”. À, lâu lắm mới về, tao sẽ ở chơi vài bữa. Mày nhớ kiếm dùm tao vài con cua đồng nghen. Tao thèm món “cua đồng bảy món” quá trời! Có “mồi ngon”, tao cố gắng theo mày thêm một xị nữa!”. Lần này, nó lại cười. Cười to hơn như được tôi kể 1 câu chuyện tiếu lâm bất hủ! Hắn cười chảy cả nước mắt – những giọt nước mắt rơi như để chia sẻ với 1 kẻ còn “thô sơ” dù đang khoác trên mình là “dân thành thị”. Hắn bắt đầu giảng giải: “Cua đồng làm gì mà còn ở cái vùng đất này. Trước đây, chúng bị tụi mình bắt “quá trời quá đất”. Sau đó, chúng chết vì những loại thuốc chuyên trị “ốc bươu vàng”. “Vàng” còn rã ra nữa là nói chi “Đồng”. Bây giờ, “bêtông hóa”, “ximăng hóa” hết rồi không có chỗ cho người nữa là lấy đâu chỗ cho cua!” “Nhưng để chiều bạn, tao sẽ nhờ tụi nhỏ vào xóm mới – xóm kinh tế mới đó mà do toàn là đất mới khai phá nên còn rất nông thôn. Đó là nơi hy vọng “mồi ngon” của mày còn tồn tại! Thôi! Tắm rửa rồi nghĩ ngơi cho khỏe. Tao sẽ cố thu xếp thời gian để dẫn mày đi thăm bà con hàng xóm và đội bắt cua của mày ngày xưa!” “O.K” – tôi đồng ý ngay.

Thắm thoát cũng đã đến lúc tôi phải về thành để tiếp tục sự nghiệp “gõ đầu trẻ”. Chỉ trong vài ngày lưu lại mảnh đất mà tôi đã có những kỉ niệm tuổi thơ tuyệt đẹp, tôi thấy rằng người dân quê tôi đang đổi đời: hầu như không còn nhà nào nằm trong cảnh “đói thường trực, (ăn) “chực” thường xuyên” như trước. Cuộc đổi đời của họ sẽ kéo dài được bao lâu khi trong tay họ không còn “một miếng đất cắm dùi”? À, họ đang đi học nghề để được làm công nhân trên chính mảnh đất của họ trước đây, rõ ràng đất vẫn đâu bỏ họ mà đi, chúng vẫn nằm đó đấy thôi. Được làm trên đất của mình, được trả lương – không sợ bị lâm vào cảnh nợ nần – thì còn gì mà bằng!. Nói gì thì nói họ vẫn còn đáng được trân trọng hơn tôi - người rời bỏ vùng đất này ra đi không thương tiếc (nếu có giỏi giang thì hãy quay về mà góp vào đó 1 tay để xây dựng nó ngày càng giàu đẹp).

Ngày tôi về thành phố là ngày mà xóm “lác đác” vài nóc nhà ngày xưa được trao danh hiệu “Xóm Văn hóa” và cũng là ngày mà những giáo viên như tôi – tất cả đều mừng: Tăng lương!Ái chà, tôi sắp có nhà và có vợ rồi!. Đả đảo chủ nghĩa độc thân! Tăng lương muôn năm! Rất tiếc là thời gian không cho phép tôi dự buổi lễ long trọng đó – như 1 sự bày tỏ tấm chân tình của đứa con sau bao ngày xa cách!
Xe dừng lại. Tôi bước lên. Xe chuyển mình lăn bánh. Tôi nhìn lại! Hình bóng xóm “lác đác” ngày xưa (xóm “Văn hóa” ngày nay) đang xa dần xa dần … Trong lúc ấy, tôi bỗng phát hiện ra một điều hối tiếc nữa mà tôi chưa kịp chia sẻ với vùng đất này. Đó là “những chú cua đồng”!. Không còn chỗ “dung thân”. Muốn làm một cuộc “vượt vũ môn” tìm miền đất hứa. Không thể vì chúng phải cố “bò” qua những con đường trải nhựa thẳng tắp! Nhưng nghe nói đâu, trên đó con người đang cố giành nhau, chen lấn, chửi rủa mà không có chỗ để đứng nữa là. Chớ có mà “cả gan cóc tía” “bò dọc, bò ngang”. Mất mạng như chơi đấy! Ngẫm nghĩ hồi lâu, tôi phát hiện ra rằng: Tất cả đều thay đổi theo xu hướng “tốt” ngoại trừ cua đồng!

Thật là thật “TỘI NGHIỆP CUA ĐỒNG” à nghen!

Vĩnh Long, 20/11/ 2007
LTQ