Công nghệ bảo mật cao đe dọa chủ quyền

Các nước Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và Saudi Arabia đang xem xét cấm dịch vụ push mail (nhận thư điện tử tức thì) dành cho người dùng điện thoại BlackBerry vì lo ngại công nghệ bảo mật cao của dịch vụ này sẽ khiến họ không thể phát hiện nguy cơ khủng bố.
Công nghệ bảo mật cao đe dọa chủ quyền Cn-chuquyen

Một trong những lý do khiến Công ty Research In Motion (RIM) thành công với dòng BlackBerry là loại điện thoại này có thể bảo đảm mức độ bảo mật cho các thư điện tử dùng dịch vụ push mail.

Tuy nhiên, thông tin được mã hóa trở thành thách thức với cơ quan chức năng vì chính quyền có thể chặn được các thông tin mã hóa được gửi đi nhưng không thể đọc được, trừ khi mã hóa đó ở mức độ thấp và cơ quan chức năng có nguồn lực công nghệ thông tin đủ mạnh để đọc được những thông tin này. Các công cụ điều tra thường được dùng như công nghệ nghe lén điện thoại hay trò chuyện qua internet không có tác dụng.

“Nghiệp vụ tình báo của nhiều chính phủ, trong đó có chính phủ Mỹ, có thể bị cản trở bởi một số công nghệ mã hóa. Những công nghệ của BlackBerry, Google Talk, hay Skype đang hạn chế khả năng phát hiện ra những đe dọa khủng bố trên lãnh thổ của họ.

Các công cụ mã hóa đảm bảo tính riêng tư đó có thể giúp những kẻ khủng bố trên khắp thế giới liên lạc với nhau mà không bị phát hiện”, John Bumgarner, chuyên gia công nghệ của Cyber Consequences Unit - cơ quan phi chính phủ nghiên cứu các nguy cơ tấn công trên thế giới ảo, cho biết.

Một số nước lo ngại những kẻ khủng bố lợi sẽ dụng tính bảo mật cao dịch vụ push mail để liên lạc.

“Các chính phủ có thể tiến hành biện pháp cực đoan đơn giản bằng cách cấm những công nghệ đó, nhưng sẽ gây ra hậu quả là chia cắt trong lĩnh vực kinh tế, giao thương. Có một cách là ép những nhà cung cấp phần mềm phải mở “cửa sau” cho chính phủ vào phần mềm của họ”, chuyên gia bảo mật mạng Ian Clarke cho biết.

Mâu thuẫn giữa mối lo ngại về an ninh quốc gia và công nghệ tiên tiến đã có trong nhiều thập kỷ qua. Trong những năm 1980, chính phủ Mỹ đã nỗ lực nhưng không thành công trong việc mở “cửa sau” cho cơ quan tình báo nước này xâm nhập vào dữ liệu máy tính của người dùng. Cuối năm 1994, Quốc hội Mỹ thông qua một đạo luật quy định những công ty viễn thông phải đảm bảo quyền hợp pháp của cơ quan an ninh trong việc theo dõi thông tin điện tử.

Đạo luật này được sửa đổi năm 2006 nhằm điều chỉnh thêm các nhà cung cấp dịch vụ internet và điện thoại internet. Tuy nhiên, những công nghệ bảo mật mới cũng đang khiến nước này lo lắng.

Được biết, từ tháng 12.2008, Viettel cùng Alcatel-Lucent và RIM chính thức công bố phân phối điện thoại BlackBerry và dịch vụ push mail. Hiện Viettel chưa có thông tin chính thức về tính bảo mật của loại dịch vụ này.
Theo www.BanYtuong.net