Ngày 22-9-2012, lúc nửa đêm, một vừng ánh sáng chói chang phủ kín bầu trời Manhattan. Trong vùng cách xa Bắc cực này, người ta hiếm khi nhìn thấy bình minh Bắc cực.

Nhưng vừng sáng của thành phố New York sẽ kéo dài không lâu. Chỉ sau mấy giây, bóng đèn trong các căn nhà bắt đầu nhấp nháy, trước khi bốc cháy trong tích tắc. Rồi toàn bộ ánh sáng trên cả nước Mỹ tắt ngúm.

Trong 90 giây, phân nửa lãnh thổ Hoa Kỳ chìm hoàn toàn trong bóng tối. Hiện tượng này xảy ra cùng lúc trên khắp hành tinh, từ Âu châu sang Trung Quốc và Nhật Bản. Kết quả: tê liệt mọi hạ tầng cơ sở, hàng triệu người chết trong những tuần lễ và tháng tiếp theo sau...

Cảnh báo của NASA: Khi bão đến từ... mặt trời A_bao25_1
Ảnh chụp mặt trời của vệ tinh Trace

Nguyên nhân của tai họa này từ đâu tới? Một trận bão dữ dội xảy ra trên mặt trời, cách trái đất 150 triệu kilômét. Thế nhưng, kịch bản có vẻ giả tưởng này lại được chính cơ quan NASA kết hợp với Viện Hàn lâm khoa học Mỹ (NAS) công bố vào tháng 1-2009. Mặt trời vốn được phủ bằng một lớp plasma đang chuyển động, gồm những hạt có điện tích mà một số được bắn vào không gian liên tục, tạo ra những “luồng gió mặt trời”. Chúng có thể mang theo những “bọt khí” khổng lồ chứa đến một tỉ tấn plasma mà người ta gọi là phát nhật hoa - hoa mặt trời. Nếu có “một cục” như thế đụng vào từ trường trái đất, họa lớn sẽ xảy ra.

Hiện tượng kinh hoàng nhất trong lịch sử vũ trụ đã từng xảy ra vào năm 1859 được gọi là phún xuất mặt trời Carrington. Đó là tên của nhà thiên văn người Anh Richard Carrington, đã nhìn thấy nó trước tiên. Giai đoạn này kéo dài trong tám ngày. Lúc đó, người ta nhìn thấy bình minh Bắc cực xuất hiện rất ngoạn mục, nhưng hệ thống dịch vụ điện báo đều bị hư hại nghiêm trọng.

Nhược điểm lớn nhất của loài người khi gặp phải bão mặt trời là do hệ thống lưới điện liên quan mật thiết với hạ tầng cơ sở sinh tử: xử lý và phân phối nước, điện cung cấp cho các siêu thị, kiểm soát các trung tâm điện, thị trường tài chính... Trong hoàn cảnh đó, một trận “bão Carrington” lần nữa có thể gây ra tai họa mà loài người chưa bao giờ gặp phải. John Kappenman, một nhà phân tích trong ngành điện giải thích: Hoàn toàn khác hẳn cái mà chúng ta có thể tưởng tượng ra trong một thiên tai. Thông thường chính các quốc gia chậm tiến bị thiệt hại nặng nhất, chứ không phải các vùng kỹ thuật hiện đại. Nhưng khi bão mặt trời xảy ra, các nước giàu lại bị thiệt hại thê thảm nhất.

Trước tiên sẽ không có nước uống. Những người sống ở các tòa cao ốc, phải bơm nước mới lên được độ cao, sẽ bị khát trước tiên. Người sống ở dưới đất, chỉ còn nước sử dụng trong nửa ngày. Rồi các máy bơm và bồn chứa không hoạt động nữa. Không còn xe lửa, xe điện ngầm, xe điện treo... Siêu thị nhanh chóng trống vắng. Các máy phát điện dự phòng làm việc cho đến khi hết nhiên liệu. Bệnh viện chỉ còn hoạt động thêm chừng 72 giờ và sau đó... đóng cửa.

Nhưng thê thảm nhất là tình thế không thể cứu vãn trong vòng vài tuần, thậm chí vài tháng và cả năm. Các transfo điện bị cháy không thể sửa chữa, chỉ có thể thay thế. Trong một tháng, tất cả transfo dự phòng không còn hoạt động nữa và phải chờ cái mới có thể đến một năm. Thiếu điện cho hệ thống sưởi ấm, điều hòa không khí hay làm lạnh, nhiều người sẽ chết. Nguy hiểm tức khắc cho các bệnh nhân đang điều trị. Nếu New Jersey không có điện, trung tâm sản xuất thuốc của công nghiệp y dược sẽ tê liệt.

Báo cáo này mô tả cả kịch bản xấu nhất có thể xảy đến cho nước Mỹ. Bão mặt trời có thể xảy ra vào mùa xuân hay mùa thu vào năm mặt trời hoạt động mạnh nhất, có thể là... 2012. Vào thời điểm “phân chia” (mặt trời chĩa thẳng vào đường xích đạo, do độ nghiên của trục trái đất) tia mặt trời là nguy hiểm nhất.

Như vậy phải làm sao? Chưa ai có câu trả lời. Bản báo cáo của NASA được công bố để lấy ý kiến của công chúng. Các tác giả cũng lưu ý: rất khó làm cho người ta lo lắng với một hiện tượng chưa từng xảy ra...

CATP/LCI